Formaldehyde trong vải được sử dụng trong các quá trình chống co vải và quá trình finishing để mang lại tính thẩm mỹ cho hàng dệt may. Ngoài ra, Formaldehyde trong vải còn có công dụng như chống mài mòn, chống nhàu, chống sờ. Mặc dù đây là hoá chất rất độc hại nhưng lại được sử dụng phổ biến trong ngành dệt may.
Vậy tại sao Formaldehyde lại được sử dụng trong vải? Sử dụng nó như thế nào để giảm thiểu tối đa độc tố gây hại? Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ những kiến thức về loại hóa chất này, cũng như những cách giảm thiểu độc hại do loại hóa chất này gây ra.
1. Formaldehyde Được Sử Dụng Trong Vải
Formaldehyde trong vải là hoàn toàn có thể, không phân biệt vải dệt của nhà máy hay vải dệt thủ công truyền thống. Formaldehyde tồn tại trong vải do được sử dụng trong công đoạn in nhuộm và hoàn tất nhằm giữ màu và tạo liên kết ngang để chống nhăn trong khâu hoàn tất, chống nấm mốc.
Dùng formaldehyde dạng nhựa trong xử lý hoàn tất để chống nhàu, phần lớn áp dụng cho các sản phẩm dệt từ sợi thiên nhiên như cotton, tơ tằm… Mặc dù hiện nay có rất nhiều công nghệ và hóa chất khác để thay thế formaldehyde, nhưng formaldehyde vẫn được sử dụng trong công nghiệp dệt vì giá thành rẻ.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới liệt kê formaldehyde vào loại hóa chất độc hại đối với sức khỏe con người. Cơ thể con người nếu tiếp xúc với formaldehyde trong thời gian dài thì dù hàm lượng cao hay thấp cũng gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng cho da và hệ thống hô hấp, các bệnh về bạch cầu, gây ung thư nhiều cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là ung thư đường hô hấp như mũi, họng…
2. Vì Sao Formaldehyde Lại Được Sử Dụng Trong Vải?
Theo tài liệu của Cơ quan các vấn đề người tiêu dùng, thuộc Bộ kinh doanh, đổi mới và việc làm New Zealand, formaldehyde là một chất tự nhiên trong bầu khí quyển. Nó được phát ra bởi động vật và con người như một sản phẩm phụ của sự tiêu hóa. Nó cũng được tạo ra trong quá trình đốt, có thể được tìm thấy trong khói từ đám cháy, khói bụi, khói thuốc lá và khói thải xe cộ.
Ở mức độ đậm đặc hơn, formaldehyde được sử dụng trong một số quy trình công nghiệp, bao gồm ngành công nghiệp dệt may. Formaldehyde trong vải có tác dụng chống nhăn, chống bám bẩn và giúp bền màu. Nó cũng được sử dụng để giữ cho sản phẩm may mặc trông mới, đẹp trong suốt quá trình vận chuyển và để làm chậm lại sự phát triển nấm mốc trên vải vóc.
3. Ảnh Hưởng Của Formaldehyde Đối Với Sức Khoẻ Con Người
Formaldehyde trong vải có thể gây ra những ảnh hưởng gì đối với con người?
Các mức hàm lượng gây độc cho cơ thể khi tiếp xúc với chất này là 0,1ppm có thể gây ho và dị ứng da; tương tự với 0,3ppm gây chảy nước mắt; từ 2-3ppm gây đau rát cho mắt, mũi và họng.
Với liều lượng lớn hơn nữa chất này có thể gây ung thư cho người sử dụng.
4. Phương Pháp Đo Hàm Lượng Formaldehyde Trong Vải
Có 2 loại phương pháp đo hàm lượng Formaldehyde là:
- Xác định Formaldehyde tự do và thủy phân: đánh giá mức formaldehyde có trong sản phẩm để xác định được nguy cơ khi xử lý sản phẩm.
- Xác định Formaldehyde giải phóng: đánh giá mức độ formaldehyde từ sản phẩm dệt may vào khí quyển, sẽ cho biết ảnh hưởng của nó đến các vấn đề hô hấp.
5. Hướng Dẫn Giảm Thiểu Độc Tố Gây Hại Từ Formaldehyde
Giặt rèm màn cửa / chăn ga gối nệm khi mới mua về / trước khi treo: Một thực nghiệm tại Hàn Quốc cho thấy, dư lượng formaldehyde trong các sản phẩm dệt may giảm 60% sau khi giặt lần đầu. Theo thời gian, dư lượng formaldehyde trong vải dệt may sẽ mất dần do quá trình phân hủy trong không khí bởi đây là chất khí dễ bay hơi.
Giặt với nước và phơi nắng nhiều lần cũng sẽ làm giảm dần lượng tồn dư hóa chất này.
Ngoài ra, các dung môi như cồn hay giấm cũng có thể giúp hòa tan formaldehyde dễ dàng hơn nhưng lại có thể làm nhạt màu hoặc làm hỏng chất liệu vải.
Vậy là mình đã chia sẻ đến các bạn những thông tin về Formaldehyde trong vải. Hy vọng với những thông tin này, bạn đọc sẽ có cái nhìn sâu hơn về độc tố Formaldehyde, từ đó có những phương pháp đảm bảo an toàn cho cuộc sống của mình và những người thân yêu!
XEM THÊM THÔNG TIN LIÊN QUAN